Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười Hai, 2012

Mời trầu

Quan họ mời trầu têm cánh phượng

Lá phập phồng trầu biếc biếc xanh

Cau bổ múi trắng tinh như tuyết

Vỏ hồng đào vênh vếch xiên ngang

 

Nhai dập thôi nước đã ứa ứa tràn

Nhai nhai mãi càng nồng nàn say đắm

Chỉ còn bã miếng trầu càng thắm lại

Anh hai về có nhớ chị hai không?

Read Full Post »

Luân hồi

Giọt nước mắt  trái tim

màu đỏ

chảy

luân hồi

quay trở lại

bầm đen!

 

Giọt nước mắt của sen

không màu

luân hồi

đọng trên lá sen

trong veo

đấy là giọt nước mắt thủy tinh!

 

em hôn anh

nụ hôn thủy tinh

luân hồi

Vẫn

 

buốt giá

nụ hôn thủy tinh!

 

Đến một ngày

vỡ òa tất cả

thế giới trở về hồng hoang!

 

 

( viết trước ngày có thể xảy ra Tận thế)

 

 

 

Like ·  · Unfollow Post · Share

Read Full Post »

Bến quê

Rồi tôi sẽ tìm về bến cũ

Dòng sông xưa có thể khác ít nhiều

Ai trách được dòng đời trôi dạt

Đã là sông phải chảy theo dòng

 

Tôi sẽ quên những lặn lội long đong

Để giằm mình trong ổ rơm ấm áp

Quên cái rét ngày đông tháng chạp

Trong ấp iu thơm hương cỏ quê mình!

 

Quên làm sao những đau đớn ân tình

Sông xé nước đẩy tôi về phía trước

Nâng tôi lên giữa nổi chìm mê dại

Để tôi bơi bằng sải cánh tay trần

 

Tôi  ước  ao dù chỉ một lần

Tôi bé lại và sông trong trở lại

tôi sẽ hòa với sông làm một

Như tuổi thơ tôi gắn bó  dòng sông!

Read Full Post »

Giã bạn

Em muốn nói lời yêu khắc khoải

muốn thức cùng anh cho qua hết đêm dài

xiết chặt tay anh thì thầm an ủi

và cùng anh ngắm ánh nắng ban mai

Nhưng lời yêu nghẹn lại

thức cùng anh vẫn chỉ bóng đêm dài

Câu ca buồn vất vưởng

vắt kiệt lòng mình câu ” Gĩa bạn” đêm xuân

Người ơi

người ở đừng về

Nước mắt em rơi ướt đầm vạt áo

chòng chành chiếc nón quai thao

gió lật nghiêng chiếc cầu quan họ

có anh Hai nào lấy được chị Hai đâu…?*

Người ở đừng về

để em bắc chiếc cầu giải yếm

qua dòng sông 

ta đi hội đêm rằm

Câu hát chênh chao cất lên thăm thẳm

Đến bao giờ lại hội nữa người ơi

Người ơi

người ở…..

Người về…

——

* Luật quan họ anh Hai không được lấy chị Hai

Read Full Post »

Em thả tiếng nấc vào trống không

Và hãm xanh giọt nước mắt

giọt nước mắt chín sẽ rơi tới tấp

trống không nào âm vọng tiếng nấc khan…

 

Sao đêm nay không vọng lại tiếng đàn

Tử Kỳ ngẩn ngơ

Bá Nha đập cây đàn vỡ nát

Ánh trăng đêm vẫn sáng soi bát ngát

Khúc tri âm hữu hạn thế sao???

 

Cuộc đời là sóng bể ba đào

Khúc tri âm đủ năm  cung , ngũ khúc

Dẫu trong trắng một lòng Bạch ngọc

Vẫn vướng vòng bi lụy trần gian

 

Read Full Post »

Người hát tặng tôi câu ca xưa cũ

Điệu xẩm Hà thành* và xẩm Thập ân*

Tiếng trong vắt, ơi má hồng môi đỏ

Lúng liếng âm ba dìu dặt khúc Đò đưa*

 

Cảm ơn người đã đưa tôi trở lại lối xưa

Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ*

Suối âm thanh dạt dào như thác đổ

Dòng nước nguồn tưới mát lòng tôi

 

Giữa cằn khô lại nẩy lộc đâm chồi

Những mầm khát chát lòng dâu bể

Tôi chợt thấy yêu người như thể

Tìm được chính mình thất lạc tự hồng hoang

 

Xin đừng tắt đi lấp lánh ánh vàng

Người mang lại cho đời niềm vui sống

Giữa nhốn nháo chợ đời như biển động

Sáng một ánh đèn cho đêm thật bình yên!

———-

Chú thích: * Vui nhất Hà thành (Xẩm tầu điện)* Thập ân ( Xẩm làng quê, kể về công đức của người mẹ)

* Đò đưa, Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ ( là những làn điệu chèo cổ)

Read Full Post »

Sông ơi…

Tôi lại đứng bên dòng sông yêu dấu

Nỗi đam mê ngùn ngụt cháy trong lòng

Sông mãnh liệt như một chiều cả gió

Nâng hồn tôi lên đỉnh tang bồng

 

Tự bao giờ tôi gắn bó với sông

Bước chân trần in dấu vào lòng cát

Ôi con sông một thời bom đạn

Phù sa hồng hay máu đỏ cha ông

 

Tôi yêu sông phủ hồng đồng bãi

Cho lúa ngô  xanh mướt mát trổ đòng

Cho xóm thôn thanh bình yên ả

Sáng đôi bờ những ánh đèn đêm

 

Tôi thương quá những khúc ca êm đềm

Sông đã hát ru tôi thời bé dại

Những nghịch ngợm tôi cùng sông nếm trải

Dẫu thác ghềnh tôi vẫn nhớ dòng sông

 

Ơi dòng sông, dòng sông, dòng sông….

Tôi xa xót thấy sông oằn mình chở nặng

Những đau đớn bởi lẽ đời mông  muội

Tôi gánh được chăng sông ơi ,sông ơi…?

 

Tôi yêu sông như lẽ đời phải thế !

Read Full Post »

Older Posts »