Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘chuyện đời’ Category

Em ở Tây hồ bán chiếu gon

Hỏi em chiếu hết đã hết hay còn….

Nguyễn Trãi

————-

Chẳng còn  lại bông  sen nào mùa hạ

thu Tây hồ vẫn dìu dịu tỏa hương

Lơ đễnh quá một ráng hồng chiều muộn

rớt xuống hồ như xót một đài sen

 

Phải Nguyễn Trãi xưa đã ủ nồng men

Thị Lộ em ơi, chiếu gon còn hay hết…

Tiếng chuông chùa như thanh âm bi thiết

khóc miên tình vụ án Lệ chi viên

 

Chiếc chiếu gon nào có đáng qua tiền

Mà chợt tắt vầng sao Khuê vĩ đại

Nếu biết trước có ngày bị hại

Nguyễn có còn hỏi mua chiếu hay không…?

 

Chiều thu muộn sương buông mênh mông

tê tái quá cõi lòng tôi thương Nguyễn

Thắp một nén nhang chùa Kim liên tôi nguyện

đừng bao giờ có Lệ chi viên

 

Ức trai ơi Thị Lộ sẽ nhập thiền

Để hào quang của người sáng mãi !

 

Read Full Post »

Ngày bé mình xấu đau đớn thê thảm . Đấy là nói thật lòng chứ chả phải nói kiểu” một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu đâu”. Xấu và bẩn . Xấu và bẩn đến mức mỗi lần có khách đến chơi cậu mình chỉ bế cô em gái ra khoe:

– Con gái tôi đấy ông ạ. Xinh không? Da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như khung cửa gỗ mun nhá. Mà nó mới 5 tuổi thôi đấy

Ông khách bảo:

– Con bé này xinh thật. Sau chắc phải cỡ hoa khôi ( thời ấy ít nói đến từ hoa hậu)

Mà đúng thật, cô em mình đi thi đâu trúng hoa khôi ở đấy. Mợ mình cho nó thi khoa khôi trẻ em ở Xưởng phim đèn chiếu , nơi mợ làm việc, đoạt giải. Cho đi thi hoa khôi trẻ em thị xã Thanh hóa , nơi bà ngoại mình ở, đoạt giải.

Lại nói khi ông khách của cậu mình đi về ra đến cửa, mình chạy theo bảo:

– Bác ơi, cậu cháu nói dối đấy. Em cháu 6 tuổi rồi

Sau này khi đã làm mẹ mình hiểu được cái tâm lý khoe con của các ông bố bà mẹ, chứ còn lúc ấy mình tủi thân lắm.

Mỗi lần đi học mẫu giáo vỡ lòng ở cách nhà có mấy bước chân, nhưng bao giờ mình cũng chạy qua đường rồi mới vòng lại để vào lớp vì cạnh nhà mình có một bác trông thấy mình bao giờ cũng nói:

– Con gà tồ, con gà tồ… sao trông mày lúc nào cũng như moi từ dưới cống lên thế hả?

Có lúc bác ấy bảo:

– Sao cùng một tổ mà con tiên con cú thế không biết. Một con thì sáng trưng như ánh trăng còn một con lúc nào mặt cũng tối như đêm 30 ấy nhỉ? Cậu mợ mày chả biết đẻ gì cả !

Mình xấu và bẩn có lẽ tại nhà mình thành phần tư sản. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đúng là như thế. Mợ mình sinh đứa nào thì có ngay một bà vú nuôi. Nhà có 3 chị em thì bác Tư Kềnh nuôi mình , cô em kế là bác Đức, cậu em út là chị Hợi.

Bác Tư Kềnh xấu và bẩn. Người bác thấp bé, tay chân lúc nào cũng đen nhẻm, cặp mắt toét nhèm lúc nào cũng đỏ kè , ướt rượt. Có lẽ tại bác ấy hay khóc. Lúc nào mình cũng thấy bác ấy chẩy nước mắt rồi đưa bàn tay đen nhẻm lên hỷ mũi. Mình đưa tay lau giọt nước mắt trên má bác ấy bảo:

– Bác Tư Kềnh đừng khóc nữa, khóc nhiều mắt toét xấu đấy

– Còn cô đấy cô ạ, rồi sau cô cũng khóc nhiều như tôi thôi

Hồi ấy mình không hiểu sao bác Tư Kềnh lại nói vậy. Nhưng sau này, cuộc đời mình quả có nhiều nước mắt… Và tính cách của mình cũng bị ảnh hưởng tính cách bác Tư Kềnh, tự ti và mau nước mắt

 

Khi mợ mình sinh cậu út năm 1960, nhà mình phải vào công tư hợp doanh. Có mấy cáinhà ở HB xung nhà nước hết vì đều mang tên bà nội ,mà bà nội lại di cư vào Nam. Nhà cửa túng thiếu, cậu mợ đành cho bác Tư Kềnh và chị Hợi nghỉ việc, chỉ giữ lại bác Đức ( bác nuôi cô em).

Từ đấy mọi công việc trong gia đình, quyền sinh quyền sát trong tay bác Đức.Bác Đức quản lý chi tiêu, quản lý công việc gia đình nhà mình rất tốt. Về sau cậu mình bị bắt, một mình mợ đi làm nuôi 3 đứa rất chật vật nên bác còn phải trông thêm trẻ em để thêm vào chi tiêu. Thực sự bác Đức như một người bác ruột trong gia đình mình. Chỉ mỗi một tội là không hiểu sao bác Đức ghét mình cay đắng. Bác ấy hành hạ mình đủ kiểu . Khi bác ấy dẫn 3 chị em đi sơ tán thì mọi công việc như nấu cơm, giặt giũ ,gánh nước, kiếm củi , kiếm lá về đun mình phải làm hết. Nhưng kinh khủng nhất là màn phạt cơm. Bác ấy lúc nào cũng kiếm ra tội để phạt cơm. Cả nhà ăn cơm còn mình ngồi bên cạnh lải nhải:

– Cháu xin lỗi, lần sau cháu không thế nữa, nhớ bác nhớ

Sau khi cả nhà ăn xong coi như bác tha thứ thì có hôm cơm hết chả còn hạt nào. Đêm  4 bác cháu nằm chung một giường, mình nằm ở chân giường, thỉnh thoảng bác ấy lại đạp bắn mình xuống đất , rét ơi là rét. Nói chung hồi ấy lúc nào cũng đói và rét

Không hiểu sao hồi ấy mình không kể cho mợ nghe điều đó và sau này mình hiểu mình đã làm đúng, vì nếu không, mợ biết trông cậy vào ai để nuôi dậy và đưa đi sơ tán cả 3 đứa ở cái thời bom đạn mù trời ấy.

Lúc ấy mình căm ghét mọi thứ, đố kị mọi thứ. Thực sự mình cảm thấy mình bị bất công thua thiệt. Lúc nào mình cũng xù lông giương cánh để đốp chát, đề phòng. Có lẽ khi tâm hồn mình u tối đố kị thì cái mặt mình cũng xấu đi thê thảm hay sao ấy!

Nhớ có một lần mợ mình nhờ cụ Võ An Ninh dẫn 3 chi em đi bờ hồ chụp ảnh .(Cụ Võ An Ninh chụp cho mợ nhiêù ảnh lắm vì mợ đẹp và có nụ cười rất tuyệt vời). Cụ Võ dẫn 3 chị em ra Tháp bút. Mình nhớ cụ bị đau chân mà cứ tập tễnh chạy vòng quanh 3 chị em mãi chả chụp được. Cụ bảo mình:

– Sao cháu cứ nhăn nhó quạu quọ thế. Cháu có biết là cau có xấu lắm không. Dù thế nào cháu cũng phải cười và tưởng tượng cháu đang ôm một bó hoa hồng trong tay. Lúc ấy cháu sẽ xinh đẹp !

Cụ nói thế nào thì nói cái mặt mình vẫn đờ ra nhăn nhó, cau có. Sau cũng chụp được nhưng xấu lắm. ( cái ảnh này cậu em trai vẫn còn giữ. Hôm nao mình sẽ pots lên để cả nhà thưởng thức) Khi cụ Võ đưa ảnh cho mợ, mợ chê xấu , cụ Võ bảo:

– Thánh cũng chả chụp cho con cô đẹp được. Con bé này nó có cái mặt tăm tối vì nó không chịu cười. Giá nó tươi được bằng một phần cô thôi thì cũng tốt

Phải rất lâu sau mình mới dần dần hiểu ra bài học Nụ cười Hoa hồng của cụ Võ An Ninh. Dù thế nào cũng nên nhìn cuộc đời bằng cặp mắt nhân hậu, không ghanh ghét đố kị.

Nói thế chứ không phải mình đã bỏ ngay được các tính xấu ấy đâu. Bao giờ nghĩ về một việc mình cũng  đặt giả thiết. Ví dụ, có lúc mình oán trách mợ là biết bác Đức sử tệ với mình mà vẫn im chả nói gì. Sau mình nghĩ nếu mợ nói , bác Đức bỏ đi ai trông 3 chị em. Hay nghĩ về bác Đức, mình nghĩ nếu hồi ấy bác ấy mà không khe khắt hẳn mình sẽ rất vụng dại và không biết trân quí những tình cảm mà bây giờ mọi người dành cho mình. Và như thế tuy có đau đớn nhưng chính bác đã đem lại cho mình rất nhiều. Mình thực sự cảm ơn bác .

Trong cuộc sống luôn song hành thành công và thất bại, hạnh phúc và bất hạnh, con đường chúng ta đi luôn ghập ghềnh sỏi đá và bản thân chúng ta có thể có lúc sai lầm nhưng hãy luôn biết cách ứng xử sao cho nhân văn nhất. Bởi ta mang đến cho cuộc đời cái gì thì cuộc đời sẽ trả cho ta cái ấy. Dù cho cuộc sống có như thế nào chúng ta hãy sống và đi tới với Nụ cười trên môi và Đóa hồng trên tay. Lúc ấy chúng ta sẽ xinh đẹp hơn rất nhiều!

 

P/s những chia sẻ trên đây của mình  là trong cách ứng xử đối nhân xử thế chứ không mang ý nghĩa rộng hơn.

Read Full Post »

 

Nơi cơn bão Sơn tinh đi qua

đền đài nguy nga trở thành phế tích

núi đồi hoang vu

Cõi lòng u tịch

tôi một mình dâng hương

Đền Ponaga

Mắt đau đáu nhìn ra phía biển

Mặt biển hồng lên như máu

xót xa

Thủy tinh gào thét gầm lên bất lực

những thanh âm vụn vỡ đớn đau…

 

Bão tan, trời quang, mây tạnh

Tôi vẫn một mình

dâng hương

mắt nhìn ra phía biển

Nhớ Thủy tinh!

Read Full Post »

Lập lơ

Hồi làm ở cửa hàng ăn uống ga mình làm cùng tổ với anh Lập. Anh hơn bọn mình vài tuổi nhưng bọn mình sếch mé cứ gọi anh là Lập lơ. Lập lơ vui tính, hay đùa cợt. Đã là dân làm ăn uống thì hay nghịch ngợm và nói năng văng mạng. Anh Lập là kĩ sư ngành ăn uống chuyên khoa nếm. Tức là khoa kiểm định sản phẩm , từ chuyên môn gọi là cảm quan. Anh bảo :

– Cái lưỡi của tao nó như con dao trong tay chúng mày, như cái cầy cái cuốc trong tay người nông dân, như cái bút cái cọ trong tay văn nghệ sĩ, nó là cái cần câu cơm nên tao chỉ dùng nó vào những việc thanh cao thôi , quyết không dùng nó để làm những việc trần tục

Mình bảo:

– Hom nọ em làm gà nấu cháo em quên không móc diều, bóc mề em nấu cả đấy , anh chả xơi bàm bạp

– Tai nạn nghề nghiệp. Không tính (more…)

Read Full Post »

Tháng 7

Đỏng đảnh nắng

Đỏng đảnh mưa

Thời tiết thất thường như bà cô già khó tính

Nắng cau có soi mặt người lem luốc

Mưa bực mình ràn rạt gõ vào đêm

Sáng mở báo ra xem

Chỉ thấy tình, tiền, cướp , hiếp

Tối bật ti vi

Thấy ” tai nạn thương tâm, lòng người vô cảm…”

Ôi đảo điên cõi tạm

Sám hối đâu cần phải chờ ngày xá tội vong nhân

Qủa báo rất gần

Xin hãy dừng tay làm điều ác

Read Full Post »

Hồi mẹ chồng mình  mới bị lẫn, thuê người giúp việc rất khó. Vì mới bị lẫn nên bà vẫn thích chỉ đạo , mà chỉ đạo toàn sai nên chả đứa nào nó nghe lời . Đứa thì nó cãi lại , đứa thì nó tự ái bỏ về quê. Đến khổ! Ví dụ vừa ngủ trưa dậy xong bà đã bắt nấu cơm, nó bảo chưa đến giờ thì bà dằn hắt và tự mình  đi lấy gạo.  Hay có hôm bà hỏi cái con ở nhà mình nó lại trốn việc đi đâu rồi?. Thế là tự ái bỏ về quê. Thực ra bà hiền lành nhưng từ ngữ bà dùng theo lối xưa nên hơi khó nghe, và  do lẫn nên bà cứ nói suốt nên gây khó chịu. Bạn bè sui bảo : có khi mụ phải về quê kiếm đứa cháu nào lên trông bà, chứ người ngoài chả đứa nào nó chịu được tính dở của bà đâu. Thôi thì về quê tìm người vậy. (more…)

Read Full Post »

Chuyện Osin

Thống kê chưa đầy đủ thì nhà mình qua hai mươi mấy đời Ôsin. Ba đứa cháu lần lượt ra đời với bà mẹ già hơn 90 tuổi bị lẫn cần chăm sóc nên phải có Ôsin là việc tất nhiên. Vấn đề là tại đứa nào nó cũng chỉ ở với mình vài tháng là nó lượn mất. Đa số là tự nó bỏ đi. Còn vài đứa nữa thì mình phải cho nó lượn vì tật nọ tật kia và không được việc. Mà có phải mình bóc lột quá đáng, nanh nọc hay  hỗn hào gì với nó đâu.Khổ thế!

Lần cô con gái lớn đẻ thằng Cò, mình được giới thiệu một nàng cò Ôsin Nghệ an, Thanh hóa. Gọi là cò Nghệ an Thanh hóa vì cò này toàn tuyển người giúp việc vùng đó. Sau vài lần thất bại vì đứa nào nó cũng ở có một vài tháng là nó kiếm cớ thôi việc, đứa thì nó bảo chồng ốm, đứa thì con ốm, đứa thì bảo bố ngã gẫy chân, mình chán quá bảo nàng cò: thôi bà cứ kiếm cho tôi một con bé chưa chồng, nhà nghèo, chưa biết việc cũng được, để tôi đào tạo. Mình nghĩ như thế nó sẽ có khả năng ở với mình lâu hơn. (more…)

Read Full Post »

Older Posts »